Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là một tất yếu, xuất phát từ vị trí của hai cơ quan này trong bộ máy nhà nước. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân”(2). Quốc hội và hội đồng nhân dân chính là cơ quan đầu tiên được hình thành trong nhiệm kỳ mới, là khởi đầu của sự hình thành các cơ quan trong bộ máy nhà nước, ở Trung ương là Chủ tịch nước, Chính phủ..., ở địa phương là ủy ban nhân dân.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là tiền đề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”(3).
Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước, trước hết cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu dân cử. Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử năm 2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng khẳng định: “1 trong 5 nguyên nhân dẫn tới sự thành công của cuộc bầu cử là sự lãnh đạo sát sao của Bộ Chính trị và các cấp ủy đảng trong từng bước triển khai, chuẩn bị bầu cử”(4).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 _Ảnh: TTXVN
Nội dung, yêu cầu đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp
Sự lãnh đạo của Đảng trước hết là để bầu được Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp có tính đại diện, bảo đảm cơ cấu và chất lượng đại biểu. Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải có đủ đức, đủ tài để thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(5).
Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chuẩn bị bầu cử và các giai đoạn của quá trình bầu cử cần tuân theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đồng thời với việc tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật(6).
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chuẩn bị bầu cử
Ngay từ đầu năm 2020, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng “Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”. Đề án đã được báo cáo Bộ Chính trị và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến. Kết quả của Đề án là Kết luận số 174-TB/TW, ngày 8-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”.
Với sự tích cực chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội, mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử đều được triển khai sớm hơn các nhiệm kỳ trước. Hội đồng bầu cử quốc gia được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9, sớm hơn 1 kỳ họp so với kỳ bầu cử trước đây. Thành phần của Hội đồng bầu cử quốc gia được xác định theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, gồm đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và một số ban của Đảng. Trong số 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia có 6 thành viên là Ủy viên Bộ Chính trị.
Tiêu chuẩn về nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương, nhân sự đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã được quy định trong Kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị và sau đó được Ban Tổ chức Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn(7). Đây chính là tiền đề quan trọng để lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách, lực lượng nòng cốt của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Cùng với đó, các văn bản chỉ đạo bầu cử được các cơ quan nghiên cứu, xây dựng công phu, kỹ lưỡng, có tổng kết những ưu điểm, nhược điểm trong chỉ đạo bầu cử trước đây và bổ sung những điểm mới cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử ở Khu vực bỏ phiếu số 5, thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết (thành phố Hải Phòng) _Ảnh: TTXVN
Ban hành chỉ thị, hướng dẫn cuộc bầu cử
Để chỉ đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026” với 7 nội dung, trong đó tập trung vào công tác nhân sự, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn bầu cử, công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị giao trách nhiệm cho từng cấp ủy đảng ở Trung ương và địa phương. Theo đó, các tỉnh ủy, thành ủy đều thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.
Tiếp sau Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan của Đảng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn bầu cử, cụ thể là: Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW, ngày 2-12-2020, “Về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp”; Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20-1-2021, “Về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”; Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW, ngày 22-1-2021, về “Tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Lãnh đạo về công tác nhân sự
Công tác nhân sự được lãnh đạo thực hiện tốt, nhằm bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo việc giới thiệu cán bộ, đảng viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Những người được giới thiệu đều bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và của pháp luật; đồng thời, là những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là phụ nữ và người dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới, quy định tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới(8). Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%; ngày 20-1-2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”.
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đạt ít nhất 35% tổng số trong danh sách ứng cử chính thức. Thời gian tới sẽ tiến hành bước hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Sau bước hiệp thương lần thứ hai, danh sách sơ bộ người ứng cử cho thấy tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ hiện đạt tỷ lệ cao, chiếm 44,15% tổng số người ứng cử.
Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong dự kiến người dân tộc thiểu số giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và ban hành hướng dẫn để bảo đảm tỷ lệ hợp lý trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của hội đồng nhân dân(9).
Rút kinh nghiệm trong các kỳ bầu cử trước đây, hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội được Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm quy định về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Kiên quyết không đưa vào danh sách ứng cử những người không đủ tiêu chuẩn, người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28-2-2018, của Bộ Chính trị, về “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội. Ủy ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cũng quán triệt thực hiện nghiêm túc yêu cầu giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân đủ tiêu chuẩn.
Việc giới thiệu phải bảo đảm giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; theo đó, phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội, có nhiều người ứng cử có trình độ đại học và trên đại học (59,36% người có trình độ trên đại học).
Việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử để làm đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được Đảng coi trọng, đặt ra tiêu chuẩn cao, như có trình độ đào tạo đại học trở lên, có sức khỏe và độ tuổi theo quy định. Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải trải qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ trong các lực lượng vũ trang thì phải trải qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên. Đối với một số lĩnh vực cần thiết phải cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhưng không có nhân sự cấp vụ trưởng và tương đương đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định từng trường hợp phó vụ trưởng cụ thể, bảo đảm đúng quy định.
Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, có quy hoạch một trong các chức danh sau: Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 _Ảnh: TTXVN
Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của cơ quan có thẩm quyền về đại biểu Quốc hội chuyên trách, trong đó có các quy định về chức vụ, độ tuổi; có đánh giá khách quan, thận trọng về năng lực, trình độ, uy tín và khả năng tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Quy trình hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai về cơ cấu, số lượng, lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện công khai, dân chủ, theo đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15-1-2021, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về “Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”; đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác nhân sự.
Lãnh đạo trong công tác thành lập tổ chức phụ trách bầu cử
Tổ chức phụ trách bầu cử, từ Hội đồng bầu cử quốc gia ở Trung ương đến tổ bầu cử - tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong thành công của cuộc bầu cử. Có gần 12.000 ủy ban bầu cử, gần 90.000 ban bầu cử ở cấp tỉnh, huyện, xã và khoảng 90.000 tổ bầu cử. Tính trên cả nước, có hơn 1 triệu người tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử, đây không phải công việc chuyên trách, thường xuyên mà cứ 5 năm mới thực hiện lại, nhiều người ở tổ bầu cử có độ tuổi cao, trên 60 tuổi, không phải cán bộ, công chức nhà nước.
Do vậy, việc lựa chọn nhân sự tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng; lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử.
Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử ở Hội đồng bầu cử quốc gia, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bầu bổ sung, thay thế Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Thành viên tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là thành viên tổ bầu cử đều được tập huấn nắm vững quy định của pháp luật, nắm vững nghiệp vụ bầu cử để tránh sai sót, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Một số điểm cần quan tâm trong thời gian tới
Trong thời gian từ nay đến khi bắt đầu kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp khóa mới còn rất nhiều công việc quan trọng phải thực hiện, như lập danh sách cử tri, ngày bỏ phiếu bầu cử,... có một số việc cần tiếp tục quán triệt sự lãnh đạo của Đảng để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả tốt, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật về bầu cử để tổ chức cuộc bầu cử an toàn, đúng pháp luật, là ngày hội của toàn dân, lựa chọn ra người đại diện xứng đáng trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm vững thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp _Ảnh: Tư liệu
Hai là, tổ chức tốt hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Đây là bước quan trọng lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, uy tín để đưa ra cử tri bầu vào ngày 23-5-2021. Việc đưa ra khỏi danh sách người do cơ quan, tổ chức giới thiệu và người tự ứng cử cần bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về cơ cấu, thành phần đã dự kiến, được sự đồng tình của dư luận nhân dân. Không để lọt vào danh sách ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn, có vi phạm pháp luật về bầu cử(10).
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Nội dung kiểm tra, giám sát bám sát tiến độ quy trình bầu cử, tăng cường kiểm tra, giám sát ở cơ sở, từ những việc nhỏ, cụ thể, để tránh sai sót. Có những sai sót tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, như việc in sai tên ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2016 dẫn đến đã phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại(11).
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức vận động bầu cử bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tạo sự công bằng giữa các ứng cử viên, bảo đảm ứng cử viên tiếp xúc được với nhiều cử tri nhất, tránh tình trạng tổ chức vận động bầu cử hời hợt, làm chiếu lệ.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa cuộc bầu cử, nắm vững thông tin về cuộc bầu cử (danh sách, tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên, ngày bầu cử, địa điểm bầu cử, quy định pháp luật về bầu cử,...) để từ đó lựa chọn người xứng đáng trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Sáu là, đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo với người ứng cử, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cần chủ động phân loại, xử lý và trực tiếp phối hợp với các cơ quan ở địa phương xem xét giải quyết hoặc chuyển đến các cơ quan ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết.
Bảy là, chủ động có phương án phòng, chống những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới an ninh, trật tự. Có các phương án đề phòng đại dịch COVID-19 bùng phát. Kỳ bầu cử lần này, Hội đồng bầu cử quốc gia lần đầu tiên có Tiểu ban phụ trách về y tế để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và các tình huống phát sinh dịch bệnh trên diện rộng.
Tám là, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là vấn đề quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tránh tư tưởng sau ngày 23-5-2021 là đã chấm dứt cuộc bầu cử; sau ngày này, các tổ chức phụ trách bầu cử chưa kết thúc nhiệm vụ, mà theo quy định, còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là xác nhận tư cách người trúng cử.
Chín là, làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các tổ bầu cử; bảo đảm thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử là những người có tâm huyết, trách nhiệm, nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc, giữ vững nguyên tắc trong việc bỏ phiếu, kiểm phiếu. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp (Chủ nhật, ngày 23-5-2021), các tổ chức đảng, đặc biệt là ở địa phương, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền về bầu cử, thông tin về người ứng cử; tập trung tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ ba; tổ chức việc vận động bầu cử thiết thực, theo đúng quy định của pháp luật; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tại điểm bỏ phiếu; có các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, phương án đề phòng tình huống đại dịch COVID-19 bùng phát; hoàn thiện hồ sơ, tài liệu sau bầu cử; xác nhận tư cách người trúng cử./.
NGUYỄN THỊ THANH
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
-------------------------
(1) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 9
(2) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Sđd, tr. 32, 60
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 332
(4) Báo cáo số 695/BC-HĐBCQG, ngày 19-7-2016, của Hội đồng bầu cử quốc gia, “Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021” trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp lần thứ nhất
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 153
(6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Sđd, tr. 10
(7) Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20-1-2021, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”; Công văn số 35-CV/BTCTW, ngày 24-2-2021, của Ban Tổ chức Trung ương, “Về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp”
(8) Điểm a Khoản 5 Điều 11, Luật Bình đẳng giới
(9) Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14, ngày 11-1-2021, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”
(10) Tại kỳ bầu cử năm 2016, có 2 người trúng cử đại biểu Quốc hội nhưng không được công nhận tư cách; 1 người trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân nhưng không được công nhận tư cách vì ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cả 3 cấp, vi phạm quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
(11) Theo báo cáo số 695/BC-HĐBCQG, ngày 19-7-2016, của Hội đồng bầu cử quốc gia, “Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021”, Khu vực bỏ phiếu số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang phải hủy bỏ kết quả bầu cử vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và phải tiến hành bầu lại vào Chủ nhật ngày 5-6-2015. Đơn vị bầu cử số 3, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phải hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã vì in sai họ của ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã trong phiếu bầu cử.
Nguồn tin: Tạp chí Cộng Sản:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
TB mở Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới khóa II, năm 2024
19/07/2024
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29/9/2015; sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 15/7/2021
17/07/2024
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29/9/2015 của Tỉnh ủy.
11/07/2024